Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zangeneh |
Ngày 3/7/2017, Total tuyên bố đã ký một hợp đồng có thời hạn 20 năm với Iran để phát triển và khai thác khí đốt từ Phase 11 của mỏ South Pars – mỏ khí lớn nhất thế giới. Theo thỏa thuận, Total nắm giữ 50,1% vốn đầu tư, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) nắm giữ 30% và Petropars (thuộc Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran – NIOC) nắm giữ 19,9%. Với thỏa thuận này, Total đã trở thành công ty phương Tây đầu tiên trở lại thị trường năng lượng Iran, sau khi nước này được Mỹ và phương Tây gỡ bỏ trừng phạt vào năm ngoái.
Tuy nhiên, trong hai tuần gần đây, thỏa thuận trị giá 4,8 tỉ USD đã trở thành tâm điểm chỉ trích, vì những người phản đối thỏa thuận này đã đặt ra những câu hỏi về vấn đề tài chính của Total ở Iran.
Cụ thể, Total đã từng bị công tố Pháp cáo buộc đã thông qua một công ty trung gian đặt tại Thụy Sĩ chi khoảng 38 triệu USD (từ năm 1996 – 2003) để hối lộ cho các quan chức liên quan của Iran, nhằm giành được nhiều hợp đồng dầu khí “béo bở”.
Không chỉ vậy, năm 2014, Total còn từng bị cơ quan tư pháp Mỹ cáo buộc đã chi khoảng 60 triệu USD hối lộ (từ năm 1995 – 2004) để nhận được hợp đồng cho hai dự án dầu mỏ và khí đốt lớn ở Iran. Tuy nhiên, do Total chấp nhận nộp 398 triệu USD để dàn xếp nên cơ quan tư pháp Mỹ hủy bỏ truy tố.
Những người phản đối thỏa thuận South Pars ở Iran cho rằng, việc Total chịu chi tiền để dàn xếp vụ cáo buộc ở Mỹ là một bằng chứng cho thấy, Total đã thực sự dùng tiền để “mua đường” vào các dự án sinh lợi của Iran và do đó, không thể là một đối tác quốc tế đáng tin cậy.
“Chúng tôi không gặp phải vấn đề gì trong việc thực hiện hợp đồng South Pars, khi mà các khoản thanh toán của họ (Total) sẽ không được thực hiện trong hệ thống tài chính của Iran” – hãng thông tấn Shana trích lời Bộ trưởng Dầu mỏ Iran hôm 22/7.
Ông Zangeneh không nói chi tiết về cách thức thanh toán của Total, cũng không đề cập đến khả năng một tổ chức nước ngoài sẽ xử lý các vấn đề tài chính của dự án khí đốt Phase 11 mỏ South Pars, mà chỉ cho biết thêm rằng: “Total và các thành viên khác của liên danh sẽ thanh toán cho các nhà thầu phụ mà không gặp bất kỳ trở ngại nào”.
Trước đó, trong một cuộc họp tại Quốc hội Iran, ông Zanganeh cũng đã giải thích về mối quan hệ hợp tác của Iran với công ty dầu khí lớn thứ 4 thế giới.
Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, Total sẽ chỉ được thu hồi chi phí sau khi Phase 11 bắt đầu đi vào giai đoạn khai thác.
“Dựa trên các điều khoản của hợp đồng, doanh thu của Total phụ thuộc vào sản lượng khí đốt từ Phase 11. Vì vậy, nếu dự án không được thực hiện đầy đủ, họ sẽ không kiếm được tiền” – hãng thông tấn IRNA trích dẫn lời của ông Zangeneh vào ngày 14/7/2017.
Người đứng đầu ngành dầu mỏ Iran cũng bày tỏ tin tưởng vào công nghệ mới mà Total sẽ sử dụng trong dự án Phase 11 mỏ South Pars, sẽ giúp Iran tiếp tục khai thác khí đốt ở mức cao nhất trong thời gian dài hơn, cũng như bù đắp được sự suy giảm sản lượng tự nhiên từ mỏ khí này.